Chị P.B.N (Trung Văn, Nam Từ Liêm, Hà Nội) tự thừa nhận mình tuýp: “Ăn chắc mặc bền”, không thích rủi ro. Đó là lý do mà hơn 10 năm qua, khi có tiền dư, chị đều đổ vào mua chung cư.
Năm 2010, chị từng mua lô đất ở vùng ven Hà Nội với giá 500 triệu đồng, vốn từ có 250 triệu đồng, vay người thân và ngân hàng 250 triệu đồng. Đó cũng là thương vụ đầu tiên thất bại khiến chị rút ra một bài học: Muốn đầu tư đất nền phải có may mắn, khả năng chịu áp lực, chấp nhận rủi ro.
Chị N. mua lô đất này đúng vào thời điểm thị trường địa ốc Hà Nội lên cơn sốt và đến cuối năm, cơn sốt tắt. Phải đến 3 năm sau, chị N. mới thanh khoản được lô đất này với giá cắt lỗ 50 triệu đồng và trả hết khoản nợ ngân hàng. Lô đất này không có sổ đỏ, chỉ giao dịch bằng giấy tờ viết tay.
Theo chị N. “Có quá nhiều thủ tục phức tạp liên quan đến đầu tư đất như xem quy hoạch, kiểm tra pháp lý, kiểm tra địa giới lô đất, tránh tình trạng tranh chấp,…” Nếu may mắn lô đất có thể tăng giá theo lần nhưng không phải ai cũng có thể may mắn như vậy. Chưa kể, nếu để không, chị N. nhận thấy “để dòng tiền chững” là điều phí phạm.
Bởi lý do đó, năm 2016, chị N. dồn tiền bán đất cộng với khoản tiết kiệm mua căn chung cư tại Hoài Đức trả góp với giá 925 triệu đồng. Sau đó, chị làm nội thất cơ bản và cho thuê với giá 4,5 triệu đồng/tháng.
Đến năm 2018, chị cũng mua căn chung cư cũ tại Mỹ Đình, với giá 1,6 tỷ đồng. Căn chung cư này nằm giữa trung tâm Hà Nội, gần sát trường tiểu học và trung học cơ sở có tiếng. Sau khi sửa chữa, chị bán lại lãi 300 triệu đồng. Sau đó, chị tiếp tục vay ngân hàng, đổi mua thành 2 căn chung cư mà chủ cần tiền cắt lỗ.
Chị ước tính, khoản cho thuê căn hộ tương đương với mức lãi vay ngân hàng. Ngoài mua căn hộ chung cư cũ, chị N. đầu tư góp vốn cùng bạn mua căn hộ sơ cấp, cho thuê, đợi tăng giá hợp lý sẽ bán.
Theo chị N., chưa bao giờ, chị đầu tư chung cư lỗ. Chỉ bằng khoản tiết kiệm vài trăm triệu đồng, cùng mức lương đi làm ở cơ quan, hai vợ chồng chị vừa đầu tư chung cư cho thuê, vừa tích cóp trả nợ.
“Lãi đầu tư căn hộ chung cư không quá lớn, chỉ dao động 200-500 triệu đồng. Tích tiểu thành đại còn hơn là mất trăng hoặc ít nhất cũng là khoản tiết kiệm hợp lý”, chị N. cho hay.
Đến năm 2022, cơn sốt chung cư bùng nổ, vợ chồng chị N cho biết, trung bình mỗi căn chung cư đầu tư, vợ chồng chị lời 500-700 triệu đồng. Chị N. chỉ bán 2 căn chung cư ở nội thành và dồn tiền mua chung cư sơ cấp. Ngoài ra, chị vẫn giữ một số căn chung cư tiếp tục cho thuê.
Chị N, chỉ ra 4 lý do đầu tư chung cư.
Thứ nhất, với người bận rộn, không thích rủi ro thì đầu tư chung cư rất dễ dàng trong giao dịch. Việc mua chung cư không cần tốn kém chi phí như kiểm tra quy hoạch hay tranh chấp. Việc vay vốn ngân hàng cũng dễ dàng vì quá trình thẩm định, giải ngân nhanh. Mức lãi suất cho vay ngân hàng đối với chung cư cũng mềm hơn so đất không.
Thứ hai, khoản tiền lãi vay ngân hàng khi mua chung cư có thể bằng tiền cho thuê căn hộ. Các căn hộ chung cư rất dễ cho thuê, nhất là với căn hộ sát trường học “có tiếng”.
Thứ ba, với người không nhiều tiền vốn, nhưng có thu nhập tốt, thì lựa chọn trữ tiền vào chung cư rất hợp lý. Vì nếu mua chung cư sơ cấp, người mua được hưởng chiết khấu ân hạn nợ gốc kéo dài. Nếu mua chung cư đã qua sử dụng, lãi suất cho vay thấp, thời hạn vay dài. Điều này cũng giúp cho người mua an tâm coi như khoản tiền trả gốc ngân hàng như khoản tiền tiết kiệm (còn tiền lãi tương đương với tiền cho thuê).
Thứ tư, nếu chỉ “sống bằng lương”, tiết kiệm và gửi lãi ngân hàng, rất khó để gia tăng tài sản. Vì tâm lý của con người, lương càng cao, càng tiêu nhiều. Thế nên, với việc tạo ra áp lực nợ vừa phải giúp gia đình biết tiết kiệm và chi tiêu hợp lý.
Chị N. cho biết, thu nhập của cả 2 vợ chồng làm tư nhân khá biến động, có thời điểm mới kết hôn chỉ 20 triệu đồng/tháng, có giai đoạn tăng cao lên tới 50-60 triệu đồng/tháng. Vợ chồng chị xác định chỉ tiêu 40-50% thu nhập, số còn lại cho vào đầu tư chung cư. Quy tắc này giúp vợ chồng chị “khoanh vùng” khoản tiều chi tiêu mỗi tháng và luôn phấn đấu cùng trả nợ. Nhờ cách trữ tiền như vậy, vợ chồng chị mới có khối tài sản như hiện nay.
Nhịp sống thị trường