UBND TPHCM vừa yêu cầu Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Quy hoạch Kiến trúc, UBND các quận, huyện, TP.Thủ Đức rà soát tổng thể các dự án nhà ở trên địa bàn.
Theo đó, việc rà soát này nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các dự án phát triển nhà ở thương mại và công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (giấy chứng nhận) tại các dự án phát triển nhà ở thương mại trên địa bàn TPHCM.
Báo cáo của Sở Xây dựng TPHCM cho thấy, năm 2022, Sở đã tổ chức kiểm tra thực địa đối với các dự án trong giai đoạn từ năm 2011 – 2020. Kết quả có 180 dự án đã hoàn thành thi công xây dựng với 117.823 căn hộ và 7.849 nhà ở riêng lẻ; có 57 dự án đang thi công xây dựng với 50.976 căn hộ chung cư và 4.777 nhà ở riêng lẻ (số lượng căn hộ, nhà ở được xác định theo số lượng ghi trong văn bản chấp thuận đầu tư dự án).
Tuy nhiên, Sở Xây dựng nhận thấy, việc xác định điều kiện khởi công gặp khó khăn do việc đầu tư xây dựng trải qua nhiều thời gian, thời kỳ xây dựng (từ 1989 đến nay) chịu sự điều chỉnh của thay đổi pháp luật xây dựng có liên quan hoặc chủ đầu tư dự án đã chuyển nhượng, quan hệ dân sự khác cho các cá nhân, tổ chức dẫn đến rất khó khăn trong công tác quản lý nhà nước về xây dựng tại địa bàn.
Mặt khác, việc quản lý các dự án này cũng trải qua nhiều giai đoạn liên quan đến trách nhiệm quản lý nên việc thu thập hồ sơ pháp lý , phối hợp kiểm tra, xử lý gặp nhiều khó khăn.
Các dự án này đa phần đã được phê duyệt quy hoạch tổng thể 1/500 nhưng do một số nguyên nhân, như chưa hoàn thành công tác bồi thường, tranh chấp, chưa được kết nối hạ tầng, chưa có quyết định giao đất, dự án bị thu hồi, dự án chưa được chấp thuận đầu tư, chưa được cấp giấy phép xây dựng theo quy định, chưa có thiết kế cơ sở được thẩm định…
Một số dự án giao đất để đầu tư hạ tầng dù chưa được cơ quan nhà nước giao đất nhưng các chủ đầu tư đã ký hợp đồng hợp tác đầu tư với các khách hàng.
Đến nay, do chưa đầy đủ pháp lý nên người dân không được xây dựng nhà dẫn đến khiếu nại, phản ánh kiến nghị, có trường hợp người dân cố tình xây dựng dẫn đến nhiều khó khăn trong việc xử lý vi phạm, ngăn chặn, cưỡng chế phá dỡ công trình. Để thống nhất về công tác quản lý các khu nhà ở, các dự án nhà ở cần phải có sự thống nhất về việc áp dụng các quy định pháp luật qua từng thời kỳ.
Do đó, UBND TPHCM giao UBND các quận, huyện TP.Thủ Đức tập trung rà soát, thống kê, phân loại tất cả các khu nhà ở, các dự án đầu tư phát triển nhà ở trên địa bàn qua các thời kỳ từ trước tới nay.
Trong đó, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc, đồng thời đề xuất các giải pháp nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước tại địa phương đối với việc quản lý các khu nhà ở, các dự án nhà ở trên địa bàn.
Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM được giao rà soát, cung cấp số liệu, danh sách các khu nhà ở , các dự án đầu tư phát triển nhà ở đã và đang thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận trên địa bàn.
Tiền Phong