Sở Giao thông vận tải (GTVT) TPHCM vừa có văn bản gửi UBND TP về việc tổng hợp, báo cáo tình hình triển khai thực hiện các dự án xây dựng tuyến đường Vành đai 4 TPHCM .
Theo Sở GTVT TPHCM, hiện nay, nguồn vốn các địa phương bố trí cho các dự án xây dựng tuyến đường Vành đai 4 TPHCM đang gặp nhiều khó khăn: UBND tỉnh Long An khó khăn trong việc cân đối vốn cho Dự án Vành đai 4 trên địa bàn tỉnh; UBND các tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai và Bình Dương chưa cân đối đủ vốn cho dự án, cần sự hỗ trợ từ ngân sách Trung ương.
Sở GTVT TPHCM cũng cho biết, các dự án đường Vành đai 4 TPHCM là dự án lớn, có tính chất kết nối các tỉnh, thành trong vùng Đông Nam Bộ.
Qua kết quả nghiên cứu sơ bộ, các dự án đường Vành đai 4 TPHCM có tổng mức đầu tư khoảng 105.028 tỷ đồng (trong đó, chi phí xây dựng khoảng 47.230 tỷ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 46.236 tỷ đồng).
Trong đó, chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng chiếm tỷ trọng lớn trong tổng mức đầu tư các dự án Vành đai 4 (đoạn qua tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu khoảng 42,42%; đoạn qua tỉnh Đồng Nai khoảng 45,37%; đoạn qua tỉnh Bình Dương khoảng 48,71%; đoạn qua TPHCM khoảng 46,45%; đoạn qua tỉnh Long An khoảng 41,66%).
Do đó, các địa phương thống nhất kiến nghị Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ vốn ngân sách Trung ương để thực hiện dự án trong giai đoạn 2021-2025, giai đoạn 2026-2030 và một số cơ chế, chính sách đặc thù (tương tự như dự án Vành đai 3 TPHCM).
Cụ thể, ngân sách Trung ương hỗ trợ TPHCM và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu là 50% tổng mức vốn ngân sách tham gia dự án (TPHCM khoảng 3.626 tỷ đồng; Bà Rịa Vũng Tàu khoảng 1.812 tỷ đồng; Đồng Nai khoảng 4.238 tỷ đồng; Bình Dương khoảng 4.398 tỷ đồng). Đồng thời, ngân sách Trung ương hỗ trợ tỉnh Long An 90% tổng mức vốn ngân sách tham gia dự án (khoảng 24.455 tỷ đồng).
Đối với đoạn tuyến Vành đai 4 do UBND tỉnh Long An làm cơ quan có thẩm quyền (đoạn Kênh Thầy Cai – Hiệp Phước, trong đó đoạn qua địa bàn tỉnh Long An dài 74,5km, đoạn qua địa bàn TPHCM dài 3,8km). Đây là dự án có quy mô lớn, yêu cầu kỹ thuật phức tạp (chiều dài tuyến khoảng 78,3km). Tổng mức đầu tư (giai đoạn 1) của dự án này vào khoảng 47.068 tỷ đồng (là dự án quan trọng quốc gia, thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội).
Dự kiến vốn ngân sách tham gia dự án chiếm 58% tổng mức đầu tư (khoảng 27.173 tỷ đồng). Như thế sẽ không phù hợp theo quy định (vốn ngân sách không quá 50%). Ngoài ra, tỉnh Long An đang gặp khó khăn trong việc triển khai thực hiện và cân đối nguồn vốn đầu tư cho dự án.
Do đó, thống nhất kiến nghị Bộ GTVT làm cơ quan có thẩm quyền, chủ trì, phối hợp với UBND TPHCM và UBND tỉnh Long An tổ chức thực hiện dự án ở bước chủ trương đầu tư. Đồng thời, kiến nghị giao một Ban quản lý dự án trực thuộc Bộ GTVT làm chủ đầu tư tổ chức thực hiện dự án.
Sở GTVT TPHCM kiến nghị UBND TP tổ chức họp chuyên đề với UBND các tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương và Long An về các dự án đường Vành đai 4 TPHCM để ký Biên bản thống nhất các nội dung. Sau đó UBND TPHCM sẽ thay mặt các địa phương tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính Phủ xem xét, chỉ đạo.
Đề xuất cơ chế đặc thù áp dụng cho các dự án đường Vành đai 4 TPHCM
Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và tăng tính hấp dẫn thu hút nhà đầu tư tham gia thực hiện dự án, TPHCM và các địa phương kiến nghị Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ trình cấp thẩm quyền cho phép áp dụng một số cơ chế đặc thù cho theo các cơ chế, chính sách đặc thù cho các dự án xây dựng đường Vành đai 4 TPHCM.
Cụ thể, cho phép tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án được vượt quá 50% tổng mức đầu tư đối với các dự án đường Vành đai 4.
Đồng thời, giao UBND cấp tỉnh được làm cơ quan chủ quản, được sử dụng ngân sách địa phương và vốn hợp pháp khác đầu tư các dự án; thực hiện hoạt động đầu tư công của dự án theo quy định đối với dự án do địa phương quản lý theo quy định của pháp luật về đầu tư công, xây dựng và pháp luật có liên quan…
Tiền Phong