Theo ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels, việc phát triển hệ thống hạ tầng hiện chưa đáp ứng kịp tốc độ phát triển hoạt động bất động sản nghỉ dưỡng tại Phú Quốc.
Chia sẻ mới đây, ông Mauro Gasparotti nhấn mạnh, Phú Quốc với cảnh quan thiên nhiên độc đáo và vị trí chiến lược gần các thành phố lớn ở Đông Nam Á, đã nhanh chóng trở thành một trong những điểm đến phát triển nhanh nhất tại Việt Nam. Ngành du lịch được định hướng là hoạt động kinh tế quan trọng của đảo, và nhờ đó, Phú Quốc đã nắm bắt các cơ hội phát triển, song cũng đối mặt với những thách thức trong việc xây dựng hình ảnh một điểm đến quốc tế.
Kể từ cuối năm 2012, việc nâng cấp hạ tầng và mở rộng các đường bay đến Phú Quốc đã thúc đẩy quá trình hình thành hoạt động du lịch và phát triển bất động sản nghỉ dưỡng tại địa phương. Hiện nay, ngành lưu trú Phú Quốc cung cấp khoảng 25.000 phòng, với phần lớn là các cơ sở nhỏ, do hộ kinh doanh địa phương tự vận hành. Trong đó, số lượng phòng thuộc phân khúc hạng sang, cao cấp (upper upscale – luxury) chiếm khoảng 15% tổng nguồn cung.
So với các địa điểm du lịch khác trong khu vực, tổng nguồn cung lưu trú tại Phú Quốc chỉ tương đương 27% so với Phuket và 31% so với Bali.
Theo ông Mauro Gasparotti, hoạt động du lịch phát triển mạnh mẽ đã thúc đẩy quá trình phát triển bất động sản nghỉ dưỡng tại Phú Quốc. Tuy nhiên, trong thời gian qua, nhiều chủ đầu tư đã gia nhập thị trường một cách vội vàng, thiếu sự cân nhắc thấu đáo trong quá trình hoạch định và triển khai dự án.
“Một số chủ đầu tư đơn thuần sao chép các sản phẩm hiện hữu và bỏ qua các yếu tố xu hướng thị trường, văn hóa địa phương để kiến tạo nét đặc trưng riêng cho dự án. Dù vẫn có nhiều dự án chất lượng được phát triển, nhưng để gia tăng giá trị trải nghiệm cho du khách, Phú Quốc cần tạo được một khu vực điểm nhấn trung tâm, tập trung các hoạt động tham quan, khám phá”, ông Mauro nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, tình trạng dư thừa nguồn cung một số sản phẩm như nhà phố thương mại cũng là một vấn đề đáng lo ngại tại Phú Quốc. Việc nhiều khu phố thương mại bị bỏ trống, chưa đưa vào kinh doanh tại có thể ảnh hưởng không tốt đến trải nghiệm của du khách và hình ảnh của ngành du lịch của Phú Quốc.
Cùng quan điểm, bà Uyên Nguyễn, Trưởng bộ phận Tư vấn tại Savills Hotels cho hay, tốc độ phát triển khách sạn, resort trong những năm qua đã gia tăng áp lực cạnh tranh lên hoạt động kinh doanh, khiến các dự án thuộc mọi phân khúc gặp nhiều thách thức trong việc cải thiện giá phòng. Mặc dù nhu cầu phòng đã bắt đầu cải thiện từ tháng 6/2023, giá phòng vẫn ở mức cạnh tranh vì nguồn cung phòng lớn so với mức độ khôi phục nguồn cầu.
Trước dịch, nguồn khách nội địa chiếm hơn 85% lượng khách đến Phú Quốc. Trong bối cảnh thị trường khách quốc tế khôi phục chậm, nguồn khách nội địa đã đóng góp quan trọng vào quá trình khôi phục của ngành du lịch địa phương với tổng lượt khách đến đạt 5.1 triệu lượt, tương đương với mức năm 2019.
Mặc dù vậy, lượt khách quốc tế đến Phú Quốc vẫn ở mức thấp so với các đảo du lịch khác trong khu vực. Trước dịch, lượt khách quốc tế đến Phú Quốc chỉ tương đương khoảng 6% lượt khách quốc tế đến Phuket, 11% đến Bali và 60% đến Boracay.
So với các điểm đến du lịch khác tại Việt Nam, Phú Quốc có lợi thế cạnh tranh về chính sách miễn thị thực nhập cảnh cho du khách quốc tế. Theo chính sách này, khách du lịch thuộc mọi quốc tịch được miễn thị thực với điều kiện nhập cảnh trực tiếp đến Phú Quốc và không di chuyển đến các địa phương khác.
“Dù vậy số lượng đường bay thẳng và tần suất chuyến bay kết nối Phú Quốc với thị trường quốc tế hạn chế là những rào cản để Phú Quốc có thể phát huy hiệu quả chính sách này”, đại diện Savills Hotel chia sẻ thêm.
Hiện các chuyến bay từ Đài Loan và Ấn Độ đến Phú Quốc đã tạm ngưng khai thác. Ngoài ra, hiện Phú Quốc cũng chưa có chuyến bay đến Singapore – một trong các cửa ngõ giao thông quan trọng trong khu vực Châu Á. Đây cũng là một bất lợi của Phú Quốc so với Phuket và Bali.
Theo Savills Hotel, việc phát triển hệ thống hạ tầng hiện chưa đáp ứng kịp tốc độ phát triển hoạt động bất động sản nghỉ dưỡng tại Phú Quốc. Bên cạnh đó, các dự án đang được triển khai một cách riêng lẻ mà chưa tạo được sự cộng hưởng cần thiết để hình thành một hệ sinh thái du lịch xuyên suốt. Điều này đang tạo ra một số thách thức trong việc phát triển, thúc đẩy hoạt động kinh doanh tại địa phương.
“Để duy trì sức hấp dẫn vốn có và tạo được một hệ sinh thái kết hợp hài hòa bản sắc địa phương và hoạt động khai thác du lịch, Phú Quốc cần đặc biệt quan tâm đến các yếu tố bền vững, cân nhắc đặc trưng văn hóa và môi trường cộng đồng từ giai đoạn hoạch định. Ngoài ra, để có thể trở thành một điểm đến cạnh tranh trên bản đồ du lịch quốc tế, Phú Quốc cần cải thiện kết nối giao thông hạ tầng cơ sở. Quá trình này cần có sự phối hợp từ chính quyền địa phương, các tổ chức và doanh nghiệp trong ngành nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững của Phú Quốc”, ông Mauro nhấn mạnh.
Nhịp sống thị trường