Ngày 13/11 tới, Ngân hàng Nhà nước , Bộ Xây dựng cùng nhiều ban ngành và 14 tổ chức tín dụng, một số doanh nghiệp bất động sản sẽ họp trực tuyến nhằm tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp phát triển thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.
Thành phần tham dự có Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và Bộ trưởng Bộ Xây dựng, lãnh đạo nhiều bộ ngành như: Văn phòng Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tư pháp, Tổng giám đốc Ngân hàng chính sách xã hội; Tổng giám đốc của 14 tổ chức tín dụng có trụ sở tại Hà Nội (có dư nợ tín dụng bất động sản trên 20.000 tỷ đồng).
Hội nghị cũng có sự tham dự của đại diện lãnh đạo Hiệp hội Bất động sản Việt Nam và lãnh đạo một số doanh nghiệp, tập đoàn bất động sản.
Trước đó, Chính phủ, Thủ tướng đã có nhiều chỉ đạo, các bộ ngành, địa phương đã nỗ lực vào cuộc, phối hợp thực hiện đồng bộ các chính sách, nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, nhất là các khó khăn vướng mắc về pháp lý, nguồn vốn.
Thủ tướng yêu cầu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các ngân hàng thương mại tiếp tục thúc đẩy việc cho vay tín dụng với lĩnh vực bất động sản. Có giải pháp phù hợp tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất….
Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp bất động sản “còng lưng” với lãi suất vay thả nổi. Ngân hàng Nhà nước đã 4 lần điều chỉnh lãi suất điều hành nhưng doanh nghiệp bất động vẫn vẫn khó khăn trước các khoản vay lãi cao.
Không ít nhà đầu tư kỳ vọng, hội nghị sẽ trở thành “cú bồi” cho thị trường địa ốc tiếp tục tạo động lực cho thị trường địa ốc.
Ông Vũ Cương Quyết – Tổng giám đốc Đất Xanh Miền Bắc – cho biết, người mua nhà thời gian qua dù vay được ngân hàng để mua nhà nhưng điều kiện vay vẫn còn khó khăn, lãi suất vẫn ở mức cao 9 – 10%. Còn với doanh nghiệp, mức lãi suất 11 – 13% là khá cao. Với doanh nghiệp, nhu cầu vay vốn luôn luôn cần thiết, khi thị trường khó khăn, doanh nghiệp lại càng có nhu cầu vay vốn hơn. Tuy nhiên, thời điểm này điều kiện bị thắt chặt, lãi suất cao nên không dám vay vốn nhiều để mở rộng hoạt động kinh doanh; chỉ vay để duy trì hoạt động.
“Hy vọng cuộc họp sẽ giúp các ngân hàng đẩy nhanh tiến độ cho vay, giúp người mua và chủ đầu tư tiếp cận nguồn vốn dễ dàng hơn. Đặc biệt, lãi suất cho vay nên duy trì ở mức vừa phải, có thể quanh mức 8 – 8,5%/năm, bởi lãi suất huy động đầu vào hiện khá thấp. Ngân hàng cũng nên giảm bớt điều kiện để doanh nghiệp dễ tiếp cận vốn”, ông Quyết nói.
Còn lãnh đạo một chủ đầu tư dự án khu đô thị vùng ven Hà Nội cho biết, hiện ngân hàng đang báo lãi suất cho vay 11%/năm. “Thực sự với lãi suất trên doanh nghiệp bất động sản khó có khả năng trả. Tôi mong lãi suất sắp tới còn 8- 9%/năm cho chủ đầu tư còn 6 – 7%/năm với người dân vay mua bất động sản. Một năm vừa qua quá khó khăn với doanh nghiệp và người dân nên mong ngân hàng sau cuộc họp chia sẻ giai đoạn khó khăn này”, vị này cho hay.
Kể từ giữa năm 2022 đến nay, thị trường bất động sản rơi vào tình cảnh trầm lắng khi thanh khoản sụt giảm nghiêm trọng. Trước khó khăn của thị trường, tình trạng giảm quy mô hoạt động cũng như nhiều doanh nghiệp địa ốc phá sản, Chính phủ liên tục có động thái tháo gỡ khi ban hàng hàng loạt các công điện, văn bản.
Đến thời điểm hiện tại, thị trường địa ốc được đánh giá đã có diễn biến khả quan so giai đoạn hơn 1 năm trước. Song để tạo động lực mạnh mẽ hơn cho đà hồi phục, các chính sách gỡ khó cho thị trường vẫn tiếp tục được đẩy mạnh.
Nhiều nhà đầu tư bất động sản hy vọng với việc họp bàn giữa các bộ ban ngành, đặc biệt là bên Ngân hàng nhà nước, vấn đề bài toán dòng tiền cho lĩnh vực bất động sản sẽ sớm có tín hiệu tốt. Thị trường có cơ hội sôi động cuối năm nay, đầu năm 2024.
tienphong.vn