Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường vừa giao cho Sở KH&ĐT TP.HCM khẩn trương phối hợp với các sở ngành, đơn vị liên quan xem xét tờ trình của Sở GTVT TP.HCM về dự án Vành đai 2, đoạn từ cầu Phú Hữu đến đường Võ Nguyên Giáp (xa lộ Hà Nội cũ).
Các sở ngành tham mưu, đề xuất UBND TP.HCM trình HĐND TP.HCM quyết định chủ trương đầu tư dự án.
Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án của Sở GTVT TP.HCM cho thấy, dự án Vành đai 2, đoạn từ cầu Phú Hữu đến đường Võ Nguyên Giáp dài khoảng 3,6 km, dự kiến tổng mức đầu tư 9.852 tỷ đồng từ nguồn ngân sách thành phố; trong đó chi phí xây lắp và thiết bị khoảng 1.990 tỷ đồng; chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, di dời hạ tầng kỹ thuật khoảng 7.197 tỷ đồng; còn lại là các chi phí khác.
Dự án sẽ giải phóng mặt bằng một lần theo lộ giới quy hoạch là 67 m và toàn bộ nút giao Bình Thái. Dự án cũng đầu tư xây dựng đường song hành hai bên với quy mô 34m, 6 làn xe (mỗi đường rộng 17 m, quy mô 3 làn xe).
Dự án này được dự kiến thực hiện trong giai đoạn năm 2023-2027. Trong đó Sở GTVT TP.HCM đề xuất lập và trình chủ trương đầu tư vào quý III năm nay; khởi công xây dựng, hoàn thành đưa vào khai thác từ quý II/2025- quý IV/2026.
Ngoài đoạn đang đề xuất đầu tư nêu trên, đoạn từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa (TP. Thủ Đức), dài 2,7 km đã được triển khai từ năm 2017 theo hình thức BT (xây dựng – chuyển giao), tổng vốn hơn 2.700 tỷ đồng song cũng chưa xong.
Còn đoạn từ đường Võ Nguyên Giáp đến đường Phạm Văn Đồng, dài 2,8 km tổng vốn hơn 8.400 tỷ đồng và đoạn từ QL1 đến đường Nguyễn Văn Linh dài 5,3km tổng vốn hơn 9.200 tỷ đồng đang chờ TP.HCM cân đối nguồn vốn.
Vành đai 2 TP.HCM là tuyến đường bộ đô thị cấp 1 vòng tròn ở TP.HCM. Được quy hoạch từ năm 2007, có quy mô từ 6-10 làn xe, chiều rộng trung bình 35 m. Điểm đầu từ đường Nguyễn Văn Linh (huyện Bình Chánh) qua cầu Phú Mỹ (quận 7), tiếp tục ra ngã tư Bình Thái (TP. Thủ Đức) nối vào nút giao Gò Dưa (TP. Thủ Đức), điểm cuối ra QL1 rồi chạy vòng về Nguyễn Văn Linh tạo thành đường vòng quanh TP.HCM.
Sau hơn 15 năm triển khai, tuyến đường này mới hoàn thành được hơn 50 km với các đoạn từ cầu vượt Gò Dưa trên QL1 đến vòng xoay An Lạc (huyện Bình Chánh); đoạn từ nút giao Bình Thuận (đường Nguyễn Văn Linh với đường dẫn lên cao tốc TP.HCM – Trung Lương, huyện Bình Chánh) đến cầu Phú Hữu (TP. Thủ Đức).
Về nguyên nhân, việc chậm khép kín đường Vành đai 2 chủ yếu là do vướng công tác giải phóng mặt bằng. Nhiều năm qua, chính quyền TP.HCM luôn đặt mục tiêu khép kín, nhưng cho đến nay vẫn chưa thể hoàn thành.
Nhà đầu tư