Theo Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) tỉnh Long An, những năm gần đây, cùng với sự phát triển mạnh về kinh tế xã hội thì nhu cầu chỉnh trang đô thị, xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật của địa phương, xây dựng công trình phục vụ sinh hoạt chung của cộng đồng dân cư, xây dựng khu đô thị mới để phục vụ nhu cầu nhà ở, sinh hoạt ngày càng phát triển.
Tạo được sự đồng thuận của người dân
Để các dự án này được thực hiện, nhà nước cần phải thu hồi đất. Điều đó sẽ gây ảnh hưởng đến một bộ phận người dân đang sử dụng đất. Thu hồi đất để phát triển kinh tế vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng là một trong những giải pháp lớn tạo động lực cho việc phát triển kinh tế – xã hội thông qua các dự án xây dựng khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế; các dự án xây dựng khu đô thị mới, khu dân cư nông thôn, cụm công nghiệp…
Xác định công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh nên cấp ủy, chính quyền địa phương, thủ trưởng các sở, ngành nâng cao nhận thức vai trò tầm quan trọng công tác bồi thường giải phóng mặt bằng đối với sự phát triển kinh tế – xã hội qua đó tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện; nhất là các dự án trọng điểm và các dự án kéo dài nhiều năm.
Ban Thường vụ Thành ủy, Huyện ủy và UBND cấp huyện trong tỉnh đã xây dựng Kế hoạch để triển khai thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TU ngày 4-11-2021.
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể chính trị – xã hội có sự chủ động, tích cực phối hợp với chính quyền trong công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục người dân tự nguyện chấp hành quyết định thu hồi đất; bước đầu đã hoàn thiện cơ bản về thể chế chính sách về bồi thường, hỗ trợ tái định cư phù hợp tình hình thực tế của tỉnh, tổ chức bộ máy làm công tác bồi thường giải phóng mặt bằng được kiện toàn nâng cao cả về số lượng lẫn chất lượng; các vướng mắc đối với một số dự án cụ thể bước đầu được tháo gỡ từ đó tiến độ bồi thường chuyển biến tích cực, nhất là các dự án trọng điểm và các dự án kéo dài nhiều năm.
Tính đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh Long An đã chi trả bồi thường được 895,1661 ha. Riêng 10 tháng đầu năm 2023 đã chi trả được 291,4264ha/927,57 ha, đạt 31,41% chỉ tiêu phấn đấu đề ra trong năm 2023 (trong đó dự án đầu tư công: 114,3896 ha; dự án đầu tư ngoài ngân sách: 177,0368 ha).
Việc triển khai các dự án công trình trọng điểm phát triển kinh tế năm 2023 tương đối thuận lợi, số hộ chấp hành chủ trương thu hồi đất và phương án bồi thường cao nhất là các công trình đầu tư công (Vành đai 3, ĐT 830E, kể cả dự án tạo quỹ đất sạch ĐT 830E).
Hiện nay, tỉnh đang tập trung nguồn lực để hoàn thành bồi thường, tạo quỹ đất sạch dự án đường Vành đai TP Tân An, cầu bắc qua sông Vàm Cỏ Tây và Đường tỉnh 823D, dự án giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch để bố trí tái định cư đường tỉnh 830E và phát triển khu đô thị hiện nay bồi thường được 52 ha/100 ha.
Kết quả tạo quỹ đất sạch đấu giá quyền sử dụng đất để tiếp nhận đầu tư khu công nghiệp, khu dân cư, đô thị đã giúp tỉnh tiếp nhận được nhà đầu tư có năng lực, công tác tiếp nhận đầu tư đảm bảo công khai, công bằng; góp phần tăng thu ngân sách, tạo được sự đồng thuận của người dân, nhất là người bị thu hồi đất.
Thực hiện nhiều giải pháp
Để tiếp tục thực hiện có hiệu lực, hiệu quả công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư theo kế hoạch đề ra, Sở TN-MT tỉnh Long An sẽ triển khai nhiều giải pháp.
Một là, phối hợp các sở, ngành và địa phương tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định về bồi thường, giải phóng mặt bằng, trong đó tập trung chú ý đến chính sách hỗ trợ và tái định cư cho người dân.
Đồng thời, phải bố trí tái định cư thật sự tốt hơn chỗ ở cũ, phải tạo được tâm lý cho người sử dụng đất là mình “được thu hồi đất” và “được tái định cư “; những vị trí đẹp nhất, tốt nhất phải ưu tiên bố trí tái định cư để người dân có đất bị thu hồi được hưởng lợi từ chính việc được thu hồi đất; chính sách thưởng tiến độ bàn giao mặt bằng; thuê nhà tạm cư; hệ số chuyển đổi nghề.
Định giá đất đảm bảo theo giá thị trường của loại đất được công nhận, phải tính trên mặt bằng chung của điều kiện phát triển kinh tế – xã hội và tiếp nhận đầu tư của tỉnh, không để xảy ra tình trạng thu thập thông tin giá đất theo giá “ảo” của các đối tượng đầu cơ đất đai.
Hai là, phối hợp Tổ giúp việc của Ban Chỉ đạo Giải phóng mặt bằng của tỉnh làm việc với các địa phương nhằm kịp thời phát hiện và chủ động giải quyết các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện các chính sách về công tác bồi thường giải phóng, mặt bằng để kịp thời tham mưu sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
Ba là, tiếp tục tập trung các nguồn lực để hoàn thành bồi thường giải phóng mặt bằng các dự án tạo quỹ đất sạch. Phấn đấu trong năm 2024, bồi thường giải phóng mặt bằng sát với thực tế, có trọng tâm trọng điểm trong đó tập trung hoàn thành công tác bồi thường giải phóng mặt bằng cho các dự án đầu tư công (đường Vành đai 3, ĐT 823D, ĐT 830E, ĐT 822B, đường vành đai TP Tân An và các dự án công trình trọng điểm của đại hội đảng bộ cấp huyện), chuẩn bị các thủ tục để tiến hành bồi thường dự án đường Vành đai 4, ĐT 827E, các dự án phát triển kinh tế tập trung bồi thường cho các dự án Khu cụm công nghiệp.
Bốn là, chấn chỉnh lại công tác định giá đất theo hướng: Có quy trình thống nhất và rút ngắn thời gian xác định giá đất; định giá đất đảm bảo theo giá thị trường của loại đất được công nhận, không theo quy hoạch, không để xảy ra tình trạng thu thập thông tin giá đất theo giá “ảo” của các đối tượng đầu cơ đất đai; công tác thẩm định giá phải tính trên mặt bằng chung của điều kiện phát triển kinh tế xã hội và tiếp nhận đầu tư của tỉnh.
Người Lao Động