Trong cuối tháng 6 vừa qua, nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản như TMT, Mỹ Khánh, VinamLand…đã hoàn tất các đợt phát hành trái phiếu nhằm huy động nguồn vốn đầu tư phát triển các dự án.
CTCP Đầu tư Phát triển Bất động sản TMT vừa công bố hoàn tất phát hành lô trái phiếu với giá trị 2.015 tỷ đồng vào ngày 30/6, cùng ngày phát hành trái phiếu. Lô trái phiếu có kỳ hạn 84 tháng, đáo hạn vào ngày 30/6/2030.
Lãi suất thuộc loạt lãi suất kết hợp, thanh toán lãi 3 tháng/lần. Theo Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), hiện lãi suất của lô trái phiếu trên đang ở mức 13,75%/năm. Tổ chức lưu ký là Chứng khoán Dầu Khí.
Một doanh nghiệp khác là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Mỹ Khánh (Công ty Mỹ Khánh) cũng vừa mới huy động thành công 2.245 tỷ đồng từ trái phiếu. Cụ thể, Công ty Mỹ Khánh đã phát hành và hoàn tất lô trái phiếu MKHCH2329001 trong ngày 30/6/2023, kỳ hạn 72 tháng, đáo hạn ngày 30/6/2029. Lô trái phiếu này gồm 22.450 trái phiếu, có mệnh giá 100 triệu đồng/trái phiếu, giá trị theo mệnh giá phát hành là 2.245 tỷ đồng, lãi suất 14%/năm.
Tương tự, Công ty TNHH Phát triển kinh doanh xây dựng 3 (XD3C) cũng đã có lần đầu tiên huy động vốn từ trái phiếu kể từ khi thành lập. Lô trái phiếu được phát hành ngày 23/6 có giá trị lên đến 2.250 tỷ đồng, kỳ hạn 5 năm và mức lãi suất coupon là 14%/năm. Trước khi phát hành trái phiếu, XD3C đã tăng vốn điều lệ từ 2 tỷ đồng lên 252 tỷ đồng trong tháng 5/2023.
Cũng với mức lãi suất 14%/năm, CTCP Vinam Land phát hành thành công 15.000 trái phiếu mệnh giá 100 triệu đồng/trái phiếu vào ngày 23/6/2023 với kỳ hạn 72 tháng, đáo hạn vào ngày 23/6/2029. Giống như XD3C, trước khi phát hành trái phiếu, Vinam Land cũng đã thực hiện tăng vốn điều lệ lên 520 tỷ đồng vào tháng 5/2023.
Có thể thấy, sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 08/2023/NĐ-CP ngày 5/3/2023 sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các nghị định quy định về chào bán giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trong nước và quốc tế, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã có dấu hiệu hồi phục sau thời gian chững lại.
Theo báo cáo của Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA), trong tháng 6 có 13 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp với tổng giá trị 8.170 tỷ đồng, đều là phát hành riêng lẻ. So sánh với con số 30.120 tỷ đồng cùng kỳ tháng 6/2022, con số này đã giảm gần 73%.
Bất động sản là nhóm ngành với khối lượng phát hành lớn nhất trong tháng 6 với tổng giá trị phát hành là 3.880 tỷ đồng (chiếm 47,5%). Đây đều là các doanh nghiệp bất động sản chưa đại chúng.
Lũy kế từ đầu năm đến nay, tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp được ghi nhận là 42.783 tỷ đồng, với 7 đợt phát hành ra công chúng trị giá 5.521 tỷ đồng (chiếm 12,9% tổng giá trị phát hành) và 35 đợt phát hành riêng lẻ trị giá 37.262 tỷ đồng (chiếm 87,1%).
Trong đó, nhóm bất động sản chiếm tỷ trọng lớn nhất 54,5% trong tổng giá trị phát hành với gần 23.317 tỷ đồng vốn huy động được. So sánh với con số 42.583 tỷ đồng của 6 tháng đầu năm 2022, có thể thấy, lũy kế dòng tiền từ trái phiếu vào bất động sản đã giảm hơn 45% so với cùng kỳ do sự ảm đảm của thị trường trong những tháng đầu năm.
Ở chiều ngược lại, theo dữ liệu VBMA tổng hợp từ HNX, tính đến ngày công bố thông tin 30/6/2023, các doanh nghiệp đã thực hiện mua lại 31.591 tỷ đồng trái phiếu trong tháng 6. Tổng giá trị trái phiếu đã được các doanh nghiệp mua lại trước hạn lũy kế từ đầu năm đến nay đạt 110.448 tỷ đồng, tăng 39% so với cùng kỳ năm 2022.
Việc trái chủ đạt được thỏa thuận gia hạn nợ, mua lại trái phiếu trước hạn vào thời điểm này được kỳ vọng sẽ tạo hiệu ứng tích cực cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp nói chung và ngành BĐS nói riêng, góp phần giảm bớt sức ép áp lực nợ đến hạn thanh toán và tạo điều kiện tìm kiếm các phương án kinh doanh, các giải pháp về nguồn vốn để cải thiện tình hình tài chính.
Nhịp sống thị trường