Sáng 26-3, Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách lần thứ 5, Quốc hội khóa XV đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi). Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Hoàng Văn Cường (Hà Nội) đã nói về việc phát triển đất vàng hai bên sông Hồng.
Liên quan phạm trù “thành phố thuộc thành phố”, ông Hoàng Văn Cường cho rằng Hà Nội là thành phố Thủ đô, là một thể chế đặc thù, ở đó có cả đô thị và nông thôn, nhưng nông thôn trong thành phố thuộc Thủ đô cũng phải chịu quản lý theo quy chuẩn riêng.
Mặc dù thành phố thuộc Thủ đô là đơn vị hành chính cấp hai như quận, huyện nhưng chức năng quản lý và vai trò quản lý hoàn toàn khác so với cấp quận, huyện.
“Vì vậy cần có khái niệm về thành phố thuộc Thủ đô và giao quyền cho HĐND TP Hà Nội quy định các quyền năng và chính sách đặc thù, vượt trội của thành phố thuộc thủ đô so với các quy định chung với các quận, huyện”- ông Cường đề nghị.
Ông Cường cũng cho rằng rất cần thiết phải luật hóa việc khai thác các dòng sông vào phát triển đô thị của thủ đô để khai thác những tiềm năng, lợi thế vô cùng to lớn hai bên sông. Sông Hồng phải trở thành không gian cảnh quan đẹp, là trung tâm hội tụ các hoạt động của thành phố để trở thành không gian phát triển dịch vụ, thương mại sầm uất.
“Nhưng rất tiếc, hai bên bờ sông Hồng hiện đang bỏ hoang hóa, phát triển tự phát, nhếch nhác và nhiều tệ nạn xã hội do không thể tổ chức khai thác vì vướng vào một quyết định về phòng chống lũ trên sông Hồng và sông Thái Bình. Từ đó, làm cho đất vàng hai bên sông tại Hà Nội cũng giống như bãi cỏ hoang hai bên sông ở các tỉnh khác” – ĐB Cường bày tỏ.
Vì vậy, theo ông Cường, trong Luật Thủ đô (sửa đổi) phải có các quy định về khai thác hai bên sông Hồng, sông Đuống, sông Đáy theo hướng quy định về căn cứ hình thành các hành lang. Gồm hành lang mặt nước bảo vệ dòng chảy thường xuyên, hành lang thoát lũ vào mùa lũ, hành lang bảo vệ đê ngăn lũ.
Lo ngại khiếu kiện nếu Hà Nội được áp dụng cơ chế đặc thù để thu hồi đất
Dự thảo luật mới nhất quy định dự án cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị được thực hiện trên cơ sở chủ sở hữu nhà, người sử dụng đất tự nguyện điều chỉnh đất đai theo quy định của pháp luật. Trường hợp không thống nhất được thì trong một năm từ ngày UBND thành phố phê duyệt dự án, UBND cấp huyện quyết định lập, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, bố trí chỗ ở tạm thời nếu được ít nhất 2/3 chủ sở hữu nhà ở, người sử dụng đất thuộc phạm vi, ranh giới dự án đồng ý.
ĐB Trần Văn Lâm – Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách, lo ngại khiếu kiện nếu UBND cấp huyện tại Hà Nội được cưỡng chế, thu hồi đất cho dự án chỉnh trang đô thị khi 2/3 hộ dân đồng ý.
Ông Lâm cho rằng đây là vấn đề lớn, từng gây tranh cãi khi sửa đổi Luật Đất đai. Trên địa bàn khu dân cư có đến 1/3 hộ gia đình không đồng tình với dự án mà cho cấp quận tổ chức cưỡng chế để giải phóng mặt bằng sẽ gây tác động xã hội cực kỳ lớn, nhất là vấn đề khiếu kiện.
Do đó ông Lâm đề nghị ban soạn thảo cân nhắc, đánh giá kỹ tác động chính sách để tránh hệ quả phức tạp, nhất là khi cấp ra quyết định cưỡng chế chỉ là quận, huyện.
Ở nội dung này, ĐB Hoàng Văn Cường lại cho rằng việc cấp quận, huyện được thu hồi đất với dự án chỉnh trang đô thị không phải là mới. Song điểm đặc biệt ở dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi là tỉ lệ người dân đồng tình 2/3 thì được thu hồi đất.
Theo ông Cường, nếu như bắt buộc 100% người dân đồng tình mới được thu hồi đất, giải phóng mặt bằng để chỉnh trang đô thị thì rất khó triển khai trong thực tế. Ví dụ một hộ dân ở tầng một nhà chung cư cũ không đồng tình thì cả tòa nhà dù có sập cũng không phá được. “Đô thị đặc biệt như Thủ đô phải có chính sách đặc biệt, đây là việc cần thiết. Nếu không quy định cụ thể sẽ không cải tạo được” – ông Cường nói.
Theo đại biểu đoàn Hà Nội, đề xuất này cũng không gây khiếu kiện khi dự thảo nêu rõ chỉ thực hiện với dự án chỉnh trang đô thị, không phải thu hồi đất nông nghiệp của người dân để thực hiện dự án thương mại, dịch vụ.
Hội nghị chuyên trách lần thứ 5 dự kiến tổ chức trong 2,5 ngày, các đại biểu sẽ cho ý kiến đối với 8 dự án luật, bao gồm: Luật Thủ đô (sửa đổi); Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi); Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); Luật Đường bộ; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; Luật Lưu trữ (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.
Người lao động