Hàng ngàn căn hộ tái định cư ở Hà Nội bị bỏ hoang nhiều năm, gây lãng phí tiền của nhà nước, nguồn lực của xã hội
Thực trạng trên diễn ra trong bối cảnh hàng vạn người ở Hà Nội đang phải thuê trọ vì điều kiện chưa cho phép mua nhà ở thương mại.
Xuống cấp nghiêm trọng
Hà Nội hiện có tới 9 dự án nhà tái định cư với khoảng 4.000 căn chung cư bỏ hoang. Riêng quận Hoàng Mai đã có 4 dự án, tổng số tiền ngân sách cho xây dựng đã gần 2.000 tỉ đồng, trong đó dự án được đầu tư nhiều nhất là gần 800 tỉ đồng. Ngoài ra, nhiều dự án tái định cư dù có người dân về ở, tổng diện tích tầng 1 của các dự án lên đến hàng chục ngàn m2 vẫn bị bỏ trống nhiều năm, không có đơn vị nào thuê, sử dụng thương mại.
Ba tòa nhà tái định cư N3 – N4 – N5 nằm trên “đất vàng” của Khu đô thị Sài Đồng (phường Phúc Đồng, quận Long Biên) được xây dựng với mục đích phục vụ đề án giãn dân phố cổ của quận Hoàn Kiếm bị bỏ hoang nhiều năm nay. Với hạ tầng giao thông đồng bộ, nhưng từ khi được hoàn thiện năm 2006 đến nay, các tòa nhà vẫn nằm “đắp chiếu” gây lãng phí. Cách đó không xa, các khối nhà tái định cư nằm trên trục đường Lý Sơn (phường Thượng Thanh) cũng rơi vào cảnh xuống cấp do không được đưa vào sử dụng.
Một dự án cũng đang “đắp chiếu” khác là dự án nhà tái định cư tại ngõ 22 đường Khuyến Lương (phường Trần Phú, quận Hoàng Mai). Hai khối nhà tái định cư gồm một cụm nhà 15 tầng và một cụm nhà 9 tầng với hàng trăm căn hộ được xây dựng từ nhiều năm nay nhưng vẫn không có người ở. Người dân cho biết từ khi khối nhà xây dựng xong thì bị bỏ hoang, không thấy ai đến ở nên nhiều người tận dụng diện tích trống quanh dự án để sản xuất, khu vực này hiện trong tình trạng nhếch nhác.
Theo ghi nhận, hiện còn rất nhiều khu nhà tái định cư trên địa bàn các quận Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Bắc Từ Liêm… cũng trong cảnh bị bỏ hoang, “cửa đóng then cài” gây lãng phí tiền của nhà nước, nguồn lực của xã hội.
Cần sát thực tế
Lãnh đạo phường Trần Phú cho hay nhiều trường hợp người dân trên địa bàn phường được mời ra bốc thăm nhận nhà nhưng từ chối, mong muốn được nhận tiền và tự tìm phương án tái định cư mới.
Để không xảy ra tình trạng lãng phí nhà tái định cư, theo ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, trước khi tiến hành xây dựng nhà tái định cư, cần nghiên cứu xem dự án có đáp ứng nhu cầu thực tế của người dân hay không. Nhà tái định cư phải gắn liền các chính sách an sinh xã hội như đào tạo nghề, giải quyết công ăn việc làm tốt hơn, hoặc phục hồi thu nhập, góp phần nâng cao chất lượng sống cho người dân sau khi di dời.
Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam, cho rằng để không còn tồn tại những quỹ nhà tái định cư bỏ hoang, bên cạnh chất lượng xây dựng thì nơi ở mới để tái định cư cần đáp ứng đầy đủ hạ tầng xã hội như: nhà trẻ, trường học, chợ… phục vụ người dân. Các căn hộ tái định cư cần xây dựng sát với nhu cầu thực tế. Với những dự án nhà tái định cư đang bị bỏ hoang cần đưa ra phương án thu hồi và tổ chức đấu giá, chuyển đổi công năng để bán cho người có nhu cầu thực sự, thu hồi vốn cho ngân sách nhà nước, tránh thất thoát và lãng phí đất đai.
Đồng ý kiến với ông Nghiêm, nhiều chuyên gia khuyến nghị, nhà tái định cư chưa sử dụng có thể tạm thời cho người dân thuê để ở, làm văn phòng, dùng tiền thu được để duy tu chính, sửa chữa. Ngoài ra, có thể đề xuất phương án bán giá “phải chăng” cho những người có thu nhập thấp nhằm ổn định đời sống cho người dân, xóa dần các khu trọ “ổ chuột”, nhà tập thể xập xệ…
Cũng cần uyển chuyển
Luật Đất đai (sửa đổi) đang được Quốc hội xem xét, cho ý kiến và dự kiến thông qua tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV. Vấn đề nhà tái định cư được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, cho ý kiến. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh cho rằng đối với việc bồi thường, tái định cư, cần quan tâm tới cuộc sống của nhân dân sau tái định cư, phải bảo đảm bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ về hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, sinh kế của người dân nhưng phải gắn với văn hóa, cộng đồng. Vấn đề này sẽ quy định nguyên tắc trong luật, phải phân cấp cho địa phương, lãnh đạo địa phương thực hiện.
Theo Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh, việc tái định cư cũng không cứng nhắc vì nếu “họ sẽ ở với con cái, chỉ lấy tiền cũng là một cách” hoặc “tôi có đất nơi khác, đất của anh em rồi nên tôi tự tái định cư cũng là một cách”. Ngoài ra, việc lựa chọn nơi tái định cư cũng rất quan trọng đối với người dân.
Người Lao Động