Bình Thuận sẽ phá bỏ hơn 600 ha rừng để làm hồ chứa nước Ka Pét, vậy toàn bộ cây rừng lâu năm sẽ được xử lý thế nào?
Theo thông tin Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Thuận ngày 4/9, dự án Hồ chứa nước Ka Pét dung tích hơn 51 triệu m3 được Quốc hội thông qua từ năm 2019, chủ trương đầu tư tổng vốn 874 tỷ đồng nhằm cung cấp nước cho nông nghiệp; khu công nghiệp, sinh hoạt, cải tạo môi trường và điều tiết nước vùng hạ du Hàm Thuận Nam.
Dự án lấy mặt bằng từ việc phá khu rừng tự nhiên rộng 619 ha ở xã Mỹ Thạnh, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận. Hồ sẽ được xây tại khu rừng sau khu dân cư hiện hữu của xã Mỹ Thạnh, cách chừng 2 km, kéo dài lên hướng núi rừng huyện Tánh Linh.
Sau khi rừng được phá bỏ, những cây lâu năm sẽ được bán đấu giá cho đơn vị khai thác gỗ.
Cơ quan chức năng đang làm thủ tục đấu thầu chọn đơn vị tư vấn định giá giá trị lâm sản để làm cơ sở tiến hành đấu giá, đơn vị nào trúng thầu thì đôn đốc đẩy nhanh khai thác, bàn giao mặt bằng.
Ngoài ra, theo quy định của Luật Lâm nghiệp, tỉnh Bình Thuận phải trồng lại hơn 1.844 ha ở những nơi khác để thay thể diện tích rừng bị mất. Điều này thực hiện theo nguyên tắc rừng thay thế phải được trồng lại gấp ba lần diện tích rừng tự nhiên bị chuyển mục đích sử dụng. Dự kiến tổng kinh phí trồng rừng thay thế khoảng 177 tỷ đồng.
Khu rừng sắp bị cưa hạ tồn tại từ lâu đời, gắn liền không gian sống của người dân tộc Rai (Raglai) hàng trăm năm qua.
Hiện khu rừng được hai chủ rừng (Khu bảo tồn thiên nhiên Núi Ông và Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Móng – Ka Pét) quản lý, có sự chung tay bảo vệ của cộng đồng địa phương thông qua chính sách nhận khoán.
Diện tích rừng được khai thác để nhường đất cho dự án đang thuộc quản lý của 3 đơn vị, gồm: Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Móng – Ka Pét; Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bình Thuận; Ban quản lý khu bảo tồn thiên nhiên Núi Ông.
Dự án nhằm cấp nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp của huyện Hàm Thuận Nam, cấp nước thô cho khu công nghiệp Hàm Kiệm II, tạo nguồn nước thô để cấp cho sinh hoạt người dân khu vực huyện Hàm Thuận Nam và TP Phan Thiết.
Ngoài ra, dự án cũng thực hiện phòng, chống lũ và cải tạo môi trường, điều tiết nước cho vùng hạ du khu vực huyện Hàm Thuận Nam và tỉnh Bình Thuận; tăng dòng chảy trong mùa khô, góp phần cải thiện môi trường sinh thái vùng hạ du, nhất là đoạn qua TP Phan Thiết, góp phần phát triển du lịch, dịch vụ của tỉnh.
Dự án này cũng hoàn thành công tác điều tra, kiểm kê đánh giá hiện trạng rừng vào tháng 12/2020, cập nhật kết quả kiểm tra hiện trạng rừng vào tháng 4/2022.
Về công tác lập hồ sơ xin cấp, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cấp giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt ngày 28/6/2023.
Hiện, cơ quan chức năng đã trình Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định đề nghị đăng thông tin tham vấn đánh giá tác động môi trường vào đầu tháng 8/2023, dự kiến phê duyệt trong tháng 9/2023 cùng với hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi.
VTC News