Tình trạng người mua liên tục trả giá, thậm chí “trả bỏ” (tức trả xong rồi đi) vẫn diễn ra trên thị trường nhà đất. Đây cũng là lý do dù đã giảm giá nhưng rất ít giao dịch đi đến thành công, phần lớn vì tâm lý người mua còn kì vọng giá giảm thêm.
Khi đem câu hỏi này đặt ra ra cho ông Phan Vi, một môi giới nhà phố lâu năm tại Tp.HCM, vị này cho rằng, thời điểm đầu năm 2023 thị trường liên tục xuất hiện tình trạng người mua trả giá, ép giá bên mua, đến hiện tại tình trạng này vẫn diễn ra.
Theo ông Phan Vi, lý do chính dẫn đến câu chuyện ép giá, trả giá của người mua một phần đến từ các môi giới đăng tin. Liên tục trong thời gian dài, môi giới các khu vực dùng những cụm từ như “bán gấp” “chủ thở oxy” “chủ ngộp lắm rồi khách ơi”, hay “nợ ngân hàng”…. Đã tạo tâm lý cho khách mua rằng, nếu không trả giá sẽ bị mua “hớ”.
Về phía môi giới việc đăng tin rao với mục đích dễ bán hàng nhưng thực tế số lượng hàng ngộp ít hơn thông tin môi giới đăng. Hệ luỵ là khách mua liên tục vào trả giá, ép giá vì cho rằng giá môi giới đăng rao bán hàng ngộp chưa đúng, còn phải giảm hơn nữa.
“Điều này vô hình chung tạo tâm lý chờ giảm giá thêm của người mua. Do nghĩ rằng, hàng bán ra là hàng ngộp, chủ nhà cần tiền gấp nên người mua chờ để mua được giá rẻ nhất”, ông Phan Vi cho hay.
Theo ông Phan Vi, việc trả giá, ép giá diễn ra ở tất cả các quận, huyện của Tp.HCM. Thực tế, hiện nay 10 khách đi mua nhà đất Q.Gò Vấp thì có đến 7 khách là trả giá rất thấp. Trả giá căn nhà thấp hơn 50% giá trị chủ nhà muốn thu vào là “quá tay” nhưng không ít trường hợp còn ép giá thấp hơn mức này. Thế nhưng, về phía người bán họ sẽ không bán tài sản bằng mọi giá.
Ngoài lý do từ thông tin môi giới đăng hàng ngộp thì theo ông Vi, việc ép giá còn do nguồn cung khá nhiều. Người mua nhà có nhiều sự lựa chọn. Gần như căn nào khách cũng trả giá rất thấp, ngay cả những căn họ rất ưng ý. Chủ nhà thường kì vọng giá tốt hơn. Còn người mua trong tình trạng ép giá.
Chia sẻ về tâm lý người mua nhà ở thời điểm hiện tại, ông David Jackson – Tổng giám đốc, Colliers tại Việt Nam cho rằng, tình hình kinh tế vĩ mô và những biến động lớn trên thế giới đương nhiên có ảnh hưởng nhất định đến tâm lý của các nhà đầu tư. Tuy nhiên, không ít nhà đầu tư tiếp tục tin tưởng rằng bất động sản vẫn là “hầm trú ẩn” giúp họ bảo toàn tài sản. Nhu cầu “nắm chắc” tài sản chừng như đang được nhà đầu tư đề cao trong giai đoạn này. Với những nhà đầu tư có thực lực, “trường” vốn và tầm nhìn dài dạn, đây sẽ là thời cơ tích luỹ bất động sản của họ và chờ đợi thời điểm thuận lợi để thu về lợi nhuận trong tương lai.
Cho nên, việc trả giá cũng cho thấy, người mua vẫn quan tâm đến bất động sản. Có chăng do tâm lý còn bị tác động bởi nhiều yếu tố nên còn có sự chần chừ trong giao dịch. Theo một số chuyên gia, điều này sẽ được cải thiện vào khoảng cuối năm nay trở đi.
Nhịp sống thị trường