Sức bật mới cho sự phát triển của TP Hải Phòng nhìn từ quy hoạch

Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Hải Phòng đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là sự kiện quan trọng trong sự phát triển của Hải Phòng nhằm cụ thể hóa mục tiêu xây dựng và phát triển Hải Phòng trở thành thành phố đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; Động lực phát triển của vùng Bắc Bộ và của cả nước; …

Những điểm mới của Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ có quyết định phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thành phố Hải Phòng đến năm 2025, tầm nhìn đến 2050. Theo đó, quy hoạch chung lần này có nhiều điểm mới so với quy hoạch chung trước đó.

Cụ thể, quy hoạch chung lần này kế thừa cơ bản các nội dung của Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thành phố Hải Phòng đến năm 2025, tầm nhìn đến 2050 (Quyết định số 1448/QĐ-TTg ngày 16/9/2009 của Thủ tướng Chính phủ) về định hướng mở rộng không gian đô thị, hệ thống các trung tâm lớn (hành chính chính trị, thể dục thể thao, công viên cây xanh, dịch vụ – sản xuất công nghiệp…) và hệ thống hạ tầng kỹ thuật, cảnh quan môi trường.

Đồng thời điều chỉnh bổ sung tầm nhìn, mục tiêu, tính chất, dự báo quy mô dân số và đất đai, định hướng phát triển không gian, hạ tầng kỹ thuật phù hợp với tinh thần của Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/01/2019 của Bộ Chính trị.

Về tính chất, là đô thị loại I trực thuộc trung ương, một trọng điểm kinh tế biển của cả nước; là Trung tâm giáo dục, y tế và khoa học công nghệ của vùng duyên hải Bắc Bộ; Thành phố cảng xanh, văn minh, hiện đại; là đầu mối giao thông, giao lưu trong nước và quốc tế; có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh. Hải Phòng trở thành thành phố có trình độ phát triển cao trong nhóm các thành phố hàng đầu châu Á và thế giới.

Về thời hạn lập quy hoạch, đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050.

Đồng thời, kế thừa và phát triển từ mô hình Đô thị trung tâm và các đô thị vệ tinh sang mô hình Đô thị đa trung tâm và các đô thị vệ tinh

Sức bật mới cho sự phát triển của TP Hải Phòng nhìn từ quy hoạch - Ảnh 1.Hải Phòng sẽ kế thừa và phát triển từ mô hình Đô thị trung tâm và các đô thị vệ tinh sang mô hình Đô thị đa trung tâm và các đô thị vệ tinh. (Ảnh: Địa ốc báo Tiền Phong)

Việc thay đổi mô hình đô thị thể hiện được định hướng phát triển đồng đều trên toàn lãnh thổ. Nếu trước đây Hải Phòng chỉ có 01 hạt nhân là đô thị hiện hữu thì cấu trúc này từ đơn cực chuyển sang đa cực nhằm tạo động lực cho tất cả các quận huyện có cơ hội tăng trưởng kinh tế và đô thị hoá đáp ứng tốc độ phát triển dân số trong từng giai đoạn.

Cùng với đó, từ việc xác định lại mô hình đô thị sẽ được cụ thể hóa bằng cấu trúc không gian, gồm: Hai vành đai kinh tế gồm: (1) Vành đai kinh tế ven biển phát triển dịch vụ – du lịch – đô thị hướng ra biển; (2) Vành đai kinh tế công nghiệp dịch vụ từ cảng Lạch Huyện đến phía Bắc (huyện Thuỷ Nguyên), phía Tây (dọc quốc lộ 10), phía Nam (dọc sông Văn Úc) kết nối với mạng lưới khu, cụm công nghiệp vùng đồng bằng sông Hồng và hệ thống cảng Hải Phòng. Ba hành lang cảnh quan gồm: Hành lang sông Cấm, sông Lạch Tray và Văn Úc.

Ba trung tâm đô thị và các đô thị vệ tinh gồm: (1) Trung tâm đô thị lịch sử (khu phố cũ có giá trị về lịch sử, kiến trúc và phụ cận) và đô thị hành chính mới Bắc sông Cấm; (2) Trung tâm thương mại, tài chính quốc tế (CBD) ở Hải An và Dương Kinh; (3) Đô thị sân bay Tiên Lãng. Các đô thị vệ tinh gồm các đô thị trong vùng sinh thái biển, nông nghiệp, nông thôn.

Việc điều chỉnh cấu trúc không gian đảm bảo Hải Phòng sẽ có thêm 02 cực tăng trưởng nữa tại Dương Kinh và Tiên Lãng, đảm bảo phát triển theo mục tiêu, tính chất đô thị Hải Phòng.

Ngoài ra vành đai Công nghiệp đảm bảo kết nối toàn bộ các trọng điểm công nghiệp của TP từ Thủy Nguyên – An Dương – An Lão – Vĩnh Bảo – Tiên Lãng và kết nối với trọng điểm CN là KKT Đình Vũ – Cát Hải. Đảm bảo phát triển tăng trưởng dựa trên trụ cột kinh tế Du lịch, thương mại – Cảng, logistic – Công nghiệp; đảm bảo liên kết các KCN vừa đảm bảo tránh các tác động từ CN tới đô thị; hành lang công nghiệp đều có các cửa ngõ gắn với Cảng biển – Cảng hàng không và cao tốc ven biển.

Các định hướng về giao thông, định hướng hạ tầng kỹ thuật có sự kế thừa từ quy hoạch chung theo quyết định 1448 nhưng cũng đã có những sự điều chỉnh, cập nhật một cách toàn diện các Đồ án quy hoạch ngành quốc gia nhằm khớp nối toàn bộ không gian thành phố với các định hướng lớn về giao thông, hạ tầng của quốc gia.

Sức bật mới cho sự phát triển của thành phố Hải Phòng

Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Đức Thọ cho biết, đây là sự kiện quan trọng trong sự phát triển của Hải Phòng, nhằm cụ thể hóa quan điểm chỉ đạo Nghị quyết 45-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với mục tiêu: “Xây dựng và phát triển Hải Phòng trở thành thành phố đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; Động lực phát triển của vùng Bắc Bộ và của cả nước; Có công nghiệp phát triển hiện đại, thông minh, bền vững; kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại kết nối thuận lợi với trong nước và quốc tế bằng cả đường bộ, đường sắt, đường biển, đường hàng không; Trọng điểm dịch vụ logistics; Trung tâm quốc tế về giáo dục, đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng và phát triển khoa học – công nghệ, kinh tế biển; Đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân không ngừng được nâng cao ngang tầm với các thành phố tiêu biểu ở Châu Á”.

Sức bật mới cho sự phát triển của TP Hải Phòng nhìn từ quy hoạch - Ảnh 2.UBND TP Hải Phòng đã ban hành Kế hoạch số 178 ngày 16/6/2023, giao các Sở, ban ngành, đơn vị liên quan tổ chức thực hiện cụ thể hóa theo quy định và tập trung hoàn thiện hệ thống công cụ pháp lý để thực hiện hóa quy hoạch vừa được phê duyệt. (Ảnh: Địa ốc báo Tiền Phong)

Cũng theo PCT UBND TP Hải Phòng, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố là sự kiện có ý nghĩa quan trọng nhưng mới chỉ là kết quả bước đầu. Để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ của quy hoạch đã đề ra, thành phố tiếp thu các ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Bộ, ngành Trung ương Các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị thuộc thành phố cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm để đưa Hải Phòng phát triển xứng tầm khu vực và cả nước.

“Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thành phố Hải Phòng đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 nhằm định hướng toàn diện, từ cấu trúc, hướng phát triển không gian đô thị, xác định quy mô dân số và đất đai, hệ thống hạ tầng kinh tế – xã hội – kĩ thuật – môi trường… của thành phố. Đồng thời, tạo ra công cụ quản lý vĩ mô, cơ sở pháp lý để thành phố Hải Phòng thực hiện thành công Nghị quyết 45-NQ/TW của Bộ Chính trị”, PCT UBND TP Hải Phòng Nguyễn Đức Thọ nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng cho biết, nhằm triển khai thực hiện các nhiệm vụ sau khi đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Hải Phòng đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050, UBND đã ban hành Kế hoạch số 178 ngày 16/6/2023, giao các Sở, ban ngành, đơn vị liên quan tổ chức thực hiện cụ thể hóa theo quy định và tập trung hoàn thiện hệ thống công cụ pháp lý để thực hiện quy hoạch như: Quy chế quản lý kiến trúc đô thị, nông thôn; Chương trình phát triển đô thị; Quy hoạch chung đô thị Thủy Nguyên, quy hoạch đô thị An Dương, quy hoạch vùng huyện, điều chỉnh các quy hoạch: Khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải, quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật đô thị, quy hoạch chung các thị trấn, quy hoạch phân khu các quận nội thành…

Trong đó, việc xây dựng “Chương trình phát triển đô thị thành phố Hải phòng đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050”, UBND TP Hải Phòng đã phê duyệt nhiệm vụ tại Quyết định số 1380 ngày 22/5/2023.

Sức bật mới cho sự phát triển của TP Hải Phòng nhìn từ quy hoạch - Ảnh 3.Sức bật mới cho sự phát triển của TP Hải Phòng nhìn từ quy hoạch - Ảnh 1.TP Hải Phòng đang cụ thể hóa các mục tiêu xây dựng thành phố theo hướng hiện đại, văn minh, đáng sống. (Ảnh: Địa ốc báo Tiền Phong)

Hiện Sở Xây dựng đang phối hợp với đơn vị tư vấn thuộc Bộ Xây dựng để xây dựng, hoàn thiện, trình phê duyệt trong năm 2023 theo nhiệm vụ được giao, trong đó sẽ cụ thể hóa các mục tiêu về xây dựng, phát triển đô thị thành phố Hải Phòng theo Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Hải Phòng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Đồng thời cụ thể hóa các mục tiêu xây dựng thành phố theo hướng hiện đại, văn minh, đáng sống, phù hợp với các yêu cầu về phát triển bền vững đô thị Việt Nam theo nội dung được quy định tại Nghị định số 35/2023/NĐ-CP ngày 20/6/2023 của Chính phủ.

Theo Nguyễn Hoàn – Đình Phong – Lộc Liên

Tiền phong

Bài viết liên quan
Gửi Yêu Cầu Thành Công
× Đóng

Yêu cầu của bạn đã được gửi đi, chúng tôi sẽ phản hồi trong thời gian sớm nhất.

Các qui định chung, điều kiện để được hỗ trợ và thoả thuận giữa các bên:

Chúng tôi cung cấp các thông tin chỉ mang tính tham khảo khi sử dụng dịch vụ này online, không là điều kiện cần để quí anh chị thực hiện các giao dịch dân sự liên quan hoặc các thủ tục pháp lý đối với nhà nước. Chúng tôi không chịu trách nhiệm cho những rủi ro tài chính các anh chị gặp phải khi kinh doanh bất động sản. Mọi yêu cầu đặc biệt hơn cần được trao đổi trực tiếp.

Việc donate là tự nguyện và không bắt buộc cũng như việc hỗ trợ dịch vụ cho quí anh chị kinh doanh bất động sản cũng không phải là việc bắt buộc phải thực hiện, trừ khi có thoả thuận hoặc cam kết bằng văn bản hoặc hợp đồng dân sự.

Mọi dịch vụ hỗ trợ hay hoạt động kinh doanh đều phải tuân thủ qui định của pháp luật.